Thông thường, không khó để chúng ta bắt gặp các diện tích đất không thẳng hàng mà thay vào đó là bên thẳng bên lệch, hay thậm chí là theo hình chữ L. Việc xây nhà trên những mảnh đất này luôn là bài toán khó mà các kiến trúc sư phải giải quyết. Phải làm thế nào để sắp xếp sao cho cân xứng về bố cục, lại đảm bảo thuận tiện trong quá trình sử dụng hẳn không dễ dàng. Với những mảnh đất như này, các kiến trúc sư sẽ cần có thời gian làm việc lâu hơn dựa theo đúng số đo cụ thể, từ đó đưa ra phương án áp dụng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các kiến trúc sư bỏ túi thêm một số bí quyết để đưa ra giải pháp xây dựng phù hợp với địa hình đất méo.
Có nên xây nhà trên nền đất méo không?
Nhiều người thường quan niệm rằng đất méo là mảnh đất kém về phong thủy. Hơn nữa khi xét về kiến trúc và thiết kế nội thất cũng rất khó khăn. Trên thực tế thì những mảnh đất méo không có góc vuông này được quy về dạng Hỏa. Trong phong thủy truyền thống gọi đây là thế hỏa vượng. Vậy nên ít nhiều đều có ảnh hưởng đến việc xây nhà thông thường. Tuy nhiên việc xây dựng một ngôi nhà trên mảnh đất này sẽ không gây các ảnh hưởng xấu. Chỉ cần bạn nắm được các nguyên tắc cơ bản và những điều chỉnh thích hợp theo phong thủy.
Ví dụ như trong tính chất ngũ hành Hỏa có hướng chuyển động cao. Vậy nên rất phù hợp với kiến trúc chóp đỉnh, mái nhọn. Ngoài ra trong xử lý bạn có thể khắc chế Hỏa bằng cách xử lý các hình khối theo dạng Thổ hoặc Mộc nằm ngang. Đồng thời tại các khu vực đỉnh góc nhọn có thể bố trí các bố cục phá thế. Như hồ nước hay bồn hoa để lấy lại thế cân bằng và giảm xung sát. Ngoài ra trong xử lý kiến trúc, nội thất tại đây cũng không có quá khó khăn. Kiến trúc sư có thể quy không gian về các hình khối vuông. Còn khu vực méo có thể sử dụng cho các chức năng phụ hay trang trí để tạo nên một không gian sống chất lượng thể hiện phong cách riêng của mình.
Giải pháp xây nhà trên một số loại nền đất méo
Đất hai bên không cân xứng
Khi diện tích khu đất khá thoải mái cho một căn nhà phố thì tốt nhất là chỉ nên xây nhà về một bên. Chừa ra một phần nhỏ làm các mảng trang trí, lối đi hoặc sân cảnh. Căn nhà nên thiết kế theo phần thẳng của đất để thuận tiện và đơn giản về kết cấu. Còn phần trồi sụt sẽ là diện tích trống. Sau này dùng để trang trí bổ sung. Như thế, phần diện tích chính trong căn nhà luôn ngay ngắn, vuông vức hai bên phải, trái. Theo phong thủy gọi là Bạch Hổ và Thanh Long. Đặc biệt, có thể đặt đèn vào các góc khuất và dùng thêm cây xanh để gia tăng sinh khí.
Đất có hình chữ L
Đối với trường hợp đất chữ L nở hậu, bạn có thể thiết kế theo cách dành khoảng trống để sử dụng làm sân nước phía trước, thông thoáng cho phòng ngủ ở trên. Hoặc có thể xây ngôi nhà có sân giữa, chia thành hai phần trước, sau rõ rệt. Theo đó, sân này cũng đóng vai trò dẫn khí và thông thoáng cho những phòng ở giữa. Trong trường hợp nhà nhỏ không đủ chiều sâu, chủ nhà nên đặt cầu thang ở vị trí nở hậu. Như vậy, theo cách nào cũng nên làm vuông vức ở chỗ bị giật cấp.
Một dạng đất khác là đất chữ L tóp hậu. Phần sau tóp hậu của mảnh đất này nên biến thành không gian phụ như giếng trời, cầu thang, nhà vệ sinh… nếu phần này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong nhà. Đối với trường hợp chữ L mà phần chính của căn nhà ở phía sau thì phía trước dùng làm chỗ để xe, sân cảnh trước khi vào nhà.
Khi thiết kế nhà trên các mảnh đất có hình dạng khác nhau nên bố trí, sắp xếp, sao cho cân đối, vừa tiện ích vừa tận dụng được các luồng khí vào trong nhà.